Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Âm nhạc, sức mạnh tiềm ẩn của 'Thành phố Ô tô'


Những âm thanh của Detroit, nơi mới đâm đơn phá sản vì khoản nợ khổng lồ hơn 18 tỷ USD, đã gắn liền với ngành công nghiệp nơi đây. Nhà làm phim Julien Temple, người đã viếng thăm Detroit trong năm 2009 để ghi hình một bộ phim tài liệu về Thành phố Ô tô (biệt danh của Detroit), từng nói: "Tôi nghĩ rằng âm nhạc vẫn là một yếu tố quan trọng với người dân nơi đây. Âm nhạc sẽ không tới đây nếu không có những chiếc xe và ngành công nghiệp cũng không thể tồn tại nếu thiếu các lao động giá rẻ tới từ miền Nam. Có một cảm giác rõ rệt về sự sống sót vẫn tồn tại ở đây và thật kinh ngạc khi người ta có thể tồn tại ở đây lâu tới thế. Bởi vậy tôi cũng không mất hy vọng".

Đạo diễn Temple, người nổi tiếng về nhiều bộ phim tài liệu của mình gồm The Filth và Fury về ban nhạc punk Sex Pistols , đã cho hãng tin BBC biết về một số nghệ sĩ, hình thức âm nhạc và thương hiệu nghệ thuật đầy ảnh hưởng mà thành phố đã tạo ra.

1. Motown

Berry Gordy thành lập hãng đĩa Motown vào năm 1959, k ý hợp đồng với ban nhạc đầu tiên là The Miracles và cho ra đời 26 nhạc phẩm lọt vào danh sách 40 nhạc phẩm ăn khách nhất.

Hãng đĩa cũng đã ký hợp đồng với hàng loạt nghệ sĩ về sau trở thành những tên tuổi lớn như Diana Ross, The Supremes, The Four Tops, Marvin Gaye và Stevie Wonder.

Motown nhanh chóng trở thành một nhà máy Detroit khác, nơi các nhạc phẩm soul và pop đã góp phần thay đổi nước Mỹ được tạo ra.

"Motown sản xuất nhạc để đáp lại các công việc diễn ra trên dây chuyền sản xuất. Ngành công nghiệp xe hơi và tính chất lặp lại tự nhiên của công việc trên dây chuyền đã được đưa đầy vào trong âm thanh của Detroit" - Temple nhận xét.

Khi Gordy rời Motown tới Los Angeles vào năm 1972, người ta đã xem đó là ngày Detroit qua đời. Marvin Gaye đã ở lỳ tại thành phố trong 2 năm và từ rồi ra đi. "Ông ấy biết hãng đĩa đã mang linh hồn của thành phố theo mình" - Temple nói - "Thật không may, rất nhiều nhạc công của Detroit cũng làm điều tương tự. Ngay khi thành công, họ lập tức dọn đi và điều này đã không giúp ích cho thành phố".

Mặc dù vậy vẫn có những nghệ sĩ chung tình với Detroit, như Martha Reeves, người đang sống trong ngôi nhà cũ của gia đình, nơi bà lớn lên từ bé. Bà nói với BBC rằng mình là "sự lạc quan vĩnh hằng" của thành phố và bà thấy Detroit đang trên đường trở̉ lại thời huy hoàng.

Nhạc protopunk của những ban nhạc như The Stooges và MC5 đã chịu ảnh hưởng mạnh bởi âm thanh chát chúa của ngành công nghiệp xe hơi ở Detroit

2. Iggy Pop

Năm 1967, tại vùng Ann Arbor gần đó, James Newell Osterberg, một nghệ sĩ đồng bóng và khó đoán biết, nổi tiếng với nghệ danh Iggy Pop, đã thành lập ban nhạc protopunk mang tên The Stooges.

Lấy cảm hứng từ âm thanh thô ráp, chát chúa của ban nhạc Michigan khác là MC5 (viết tắt của từ Motor City 5) và các trò khôi hài trên sân khấu của thủ lĩnh The Doors là Jim Morrison, ban nhạc đã giúp Detroit trở thành trung tâm mới của một thể loại rock rất mạnh. "Khi đó có cảm giác âm nhạc đã khỏa lấp một hố sâu ngăn cách về chủng tộc đã tồn tại ở Detroit" - Temple đánh giá.

Trong một cuộc phỏng vấn Pop từng nói rằng ông lấy cảm hứng làm nghệ thuật từ "chủ nghĩa công nghiệp ở Detroit. "Những gì tôi nghe được khi đi lòng vòng quanh thành phố là bùm bùm beng beng, 10 chiếc xe - bùm bùm beng beng - 20 chiếc xe ra đời..."

Âm thanh của Iggy Pop gần như đối ngược lại thứ nhạc soul mềm mại của Motown và đã mở đường cho sự ra đời của các nghệ sĩ Detroit khác như Alice Cooper.

3. Techno

Techno, một dạng nhạc dance điện tử, đã hình thành ở Detroit trong giai đoạn giữa và cuối 1980 khi Juan Atkins, Kevin Saunderson và Derrick May, những người theo học trường Belleville, thành lập ban nhạc Belleville Three.

Họ chịu ảnh hưởng của những ban nhạc và nghệ sĩ như Kraftwerk, Yellow Magic Orchestra, Prince và The B-52. Âm nhạc của họ, giống Kraftwerk, thể hiện mối quan tâm vào công nghệ và máy móc.

"Các điều kiện ở Detroit là nơi duy nhất giúp cho thể loại như techno có thể ra đời và phát triển" - Temple nói.

Techno mang tới một cung cảnh âm nhạc hộp đêm, vũ trường mới cho thành phố trong thời hậu chủ nghĩa công nghiệp. Belleville Three thường xuất hiện trong vai trò những người trộn nhạc (DJ) tại các bữa tiệc công ty ở Detroit và thường hợp tác với các nghệ sĩ khác, chia sẻ thiết bị và không gian ghi âm với họ.

"Khi đó ở Detroit có khá nhiều nhà kho và các nhà máy xe hơi bỏ hoang, nơi âm thanh đinh tai của nhạc techno có thể phát ra. Các không gian đó cũng đóng vai trò nền tảng tuyệt vời cho thể loại âm nhạc này. Techno, một lần nữa, lại lấy cảm hứng từ nhịp điệu lặp đi lặp lại trên dây chuyền lắp ráp xe hơi.

Eminem là một trong nghệ sĩ lớn đã luôn coi Detroit là quê nhà

4. Eminem

Detroit có một mối liên hệ mạnh với nhạc hip-hop, dù ở đây loại hình âm nhạc này không nổi tiếng bằng New York và Los Angeles. Kid Rock và Insane Clown Posse là các nghệ sĩ lớn đầu tiên xuất thân từ Detroit có sự nổi tiếng trên toàn cầu.

Nhưng chính nghệ sĩ trẻ Marshall Mathers, nghệ danh Eminem, mới là người khiến thế giới lên cơn sốt với album thứ hai mang tiêu đề The Slim Shady LP , ra mắt năm 1999.

Slim Shady LP giúp Eminem có giải Grammy đầu tiên dành cho album nhạc rap hay nhất. 2 đĩa nhạc sau của anh là The Marshall Mathers LP và The Eminem Show , cũng giành chiến thắng ở cùng hạng mục và đưa anh trở thành một trong những cái tên lớn nhất trong hip hop.

Mặc dù lớn lên ở Warren, nằm bên ngoài Detroit tới hơn 20km, khi còn nhỏ Eminem thường tới khu phía Đông của thành phố để tham gia vào các cuộc chiến nhạc rap.

Năm 2011, anh đã viết một lá thư mở dành tặng cho Detroit, bắt đầu bằng những dòng chữ: "Có một sự kiên cường nổi lên từ đâu đó sâu thẳm trong các con phố của bạn (thành phố Detroit). Bạn không thể định nghĩa được sự kiên cường đó, nhưng có thể cảm nhận được nó. Bạn cảm thấy sự kiên cường chảy ra từ những con người gọi bạn là quê nhà. Từ những người luôn tự hào tuyên bố: "Tôi tới từ Detroit". Bạn đưa đất nước này từ chỗ còn sơ khai, tiến vào thời kỳ công nghiệp. Và tên của bạn vẫn mang theo ý nghĩa của một đất nước được xây dựng trên sắt thép, cơ bắp và mồ hôi".

V.L
Thể thao & Văn hóa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét