Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Thành phố Detroit phá sản: Vì đâu nên nỗi?

Cảnh hoang tàn ở TP từng là cái nôi của nền công nghiệp ôtô Mỹ.

Thành phố hoang tàn, nợ công 19 tỉ USD

Detroit trở thành thành phố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đệ đơn phá sản khi thị trưởng thành phố Dave Bing công bố rằng, ông Kevyn Orr - người được bang Michigan bổ nhiệm để giải quyết tình trạng khẩn cấp - đã yêu cầu một thẩm phán liên bang cho phép bảo hộ phá sản đối với Detroit hôm 18.7. Nếu được hưởng các bảo đảm trong khuôn khổ chương 11 của Luật Phá sản tại Mỹ, Detroit có thể đàm phán lại về các khoản nợ của mình.

Báo chí mô tả Detroit phô bày một quang cảnh hoang tàn, với các tòa nhà bị bỏ hoang, đèn đường không được thắp sáng, các dịch vụ công cộng kém hiệu quả, tỉ lệ thất nghiệp 18% - nghĩa là gấp đôi so với phần còn lại của đất nước – và tệ nạn tội phạm rất cao. Các dịch vụ công cộng đang trong tình trạng sắp sập và khoảng 70.000 bất động sản bị bỏ hoang. Nợ công của thành phố lên tới gần 19 tỉ USD.

Tháng trước, ông Kevyn Orr đề xuất trả 10 cent cho mỗi USD mà thành phố đang nợ, nhưng hai quỹ hưu trí đại diện cho nhân viên thành phố đã nghỉ hưu không chấp thuận đề xuất này. Tuyên bố phá sản tạo nên những nghi ngại về tương lai hưu bổng của các công chức và kế hoạch bảo hiểm sức khỏe tại Detroit, với khoảng 10.000 nhân viên của thành phố.

Di dân ồ ạt


Một trong những lý do khác mà báo chí cho là dẫn đến hồi kết của quá trình chết dần chết mòn khởi từ nhiều năm nay, đó là hiện tượng di dân ồ ạt, từ gần 2 triệu người trong những năm 1950 xuống còn vẻn vẹn 700.000 người hiện nay - cùng theo đó là sự suy giảm đáng kể trong nguồn thuế thu được. Nhiều người rời khỏi thành phố do những căng thẳng về sắc tộc và cơ hội làm việc giảm sút. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 làm giá nhiên liệu tăng vọt, và suy thoái kinh tế sâu sắc đầu những năm 1970 là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp ôtô vốn lừng lẫy một thời của Detroit, làm cho chính quyền thành phố lao đao.

Nguồn thu thuế của thành phố từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ bắt đầu rơi tự do. Bất kỳ ai trong giới nghiệp đoàn và quan chức thành phố đều ngậm ngùi khi nhìn những con số này. Cái giá để duy trì Detroit như đã từng làm trong 2 thập kỷ qua là không thể kéo dài hơn nữa.

Ai là người có lỗi?

Tuy nhiên, thành phố vẫn phải chi tiêu. Các nghiệp đoàn muốn duy trì quyền lực và bảo vệ việc làm. Trong khi đó, giới chính trị gia không muốn thừa nhận rằng họ đang điều hành một thành phố hấp hối, do đó bắt đầu khơi mào một cuộc chiến với công đoàn để giảm bớt chi phí lao động. Như vậy, cả hai phía đều bị cho là có lỗi trong kết cục không có hậu của Detroit, nhưng không thể đo đếm chính xác bên nào phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Trong khi đó các chủ nợ, ngân hàng lại sẵn lòng giữ cho thành phố sống sót bằng cách bơm tiền vào Detroit một cách đầy rủi ro. Khâu quản lý tài chính yếu kém đã làm phần còn lại. Detroit hiện chỉ còn là một cái bóng của thời kỳ nó được mệnh danh là thủ phủ của ngành ôtô Mỹ.

Trong cuộc khủng hoảng này, một số cũng đổ lỗi cho các công ty sản xuất ôtô, nhưng thực tế là họ đã làm nên Detroit, chứ thành phố không làm nên họ. Các nhà phân tích cho hay, đang có quan ngại rằng các doanh nghiệp sẽ từ bỏ Detroit, nhưng tập đoàn xe hơi General Motors tuyên bố sẽ không có ảnh hưởng gì tới hoạt động của mình.

Một cựu thị trưởng Detroit cũng trích dẫn trường hợp của hãng chế tạo xe hơi Chrysler, dù trong cơn hấp hối vẫn không buông xuôi để tái vươn lên, dĩ nhiên là nhờ vào bàn tay nâng đỡ của Bộ Tài chính Mỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét