Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Giá rau bị đội 3 đến 4 lần


Trong một lần về quê Vĩnh Phúc, chị Nguyễn Thị Huế kể chuyện: về thấy nhà bà dì trồng dưa cải củ, không phun thuốc, tay xách nách mang ra chợ bán với giá 1.500 đồng/kg. Trong khi "Cải củ này ở Hà Nội, chưa bao giờ tôi mua dưới 7.000 đồng/kg”.

Giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như rau củ quả, thịt cá ở Hà Nội đang bị đội giá lên rất nhiều so với giá gốc.

Tại chợ rau quả đầu mối Dịch Vọng (Q.Cầu Giấy – Hà Nội), giá rau quả rất rẻ. Rau muống, mùng tơi 1.500đ/mớ, cà chua 9.000đ/kg. Giá này đã đủ đảm bảo lợi nhuận cho tiểu thương tại chợ đầu mối.

Nhưng trái ngược với xu hướng nhiều thực phẩm có giá rẻ được bán tại quê, cũng như tại chợ đầu mối, tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy – Hà Nội), một mớ rau muống được bán với giá 4.000 đồng; cà chua 15.000 đồng/kg, bí xanh 9.000 đồng/kg.

Lý giải cho việc giá rau ở đây cao hơn nhiều so với chợ đầu mối, cũng như giá gốc ở ruộng của người nông dân, các tiểu thương tại chợ Nhà Xanh cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết có ảnh hưởng đến giá cả thị trường, thì việc điều chỉnh giá xăng dầu từ tối 17- 7 vừa qua đã khiến rau tăng giá.

Còn chủ cửa hàng bán hoa quả tại chợ Thành Công cho rằng: "Giá xăng tăng mạnh cũng tác động khiến giá cả thị trường "đội” lên theo để bù vào chi phí vận chuyển và tránh bị lỗ cho nhà buôn”.

Bức xúc về câu chuyện "mua 1 bán 3” các mặt hàng nông sản, chuyên gia thị trường Vũ Vĩnh Phú chia sẻ với Đại Đoàn Kết: "Tôi ví dụ dưa hấu nông dân chỉ bán được 2.000 đồng/kg tại ruộng, nhưng giá bán ra ở thị trường 13.000-14.000 đồng/kg; bí đỏ nông dân bán 1.000 đồng/kg không ai mua nhưng ở chợ giá 6.000-7.000 đồng/kg. Tương tự, thịt lợn hơi bán tại chuồng của bà con chỉ 30.000-40.000 đồng/kg nhưng giá ở chợ 60.000-70.0000 đồng/kg…”.

Người tiêu dùng bị thiệt, nông dân bị thiệt, chỉ có thương lái là lời nhất. Bởi vậy cần phải siết lại thị trường, nhất là các khâu trung gian để nghịch lý này không còn bóp nghẹt người nông dân.

Theo ông Phú "đất nước nông nghiệp mà chúng ta không có các chính sách giá phù hợp để "đỡ” cho các mặt hàng nông nghiệp thì chưa thể nói tới việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chống lạm phát cũng như chưa thể đem lại lợi ích cho đại đa số người nông dân.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Thời gian còn lại của năm phải hỗ trợ cho ngư nghiệp, nông nghiệp trong vấn đề giá. Trong đó, giải pháp chính là phải ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Cụ thể hơn, cần sớm tổ chức hệ thống phân phối quốc gia (có sự hỗ trợ của Nhà nước) với những mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thịt cá trứng, dầu ăn…

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, TS. Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, trên thị trường, doanh nghiệp cần minh bạch về giá cả, chất lượng sản phẩm, môi trường, quản lý lao động, nguồn gốc xuất xứ… để có sự cạnh tranh công bằng. Chuỗi cung ứng hàng hóa hiện nay đang có nhiều điểm mờ. Bởi vậy cả chủ thể làm ra sản phẩm nông sản (người nông dân) và người mua sản phẩm nông sản (người tiêu dùng) đang bị tổn hại lớn.

Hồ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét