Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Giá các mặt hàng ở chợ lẻ bắt đầu tăng

Theo khảo sát tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá một số loại thực phẩm đã có chiều hướng tăng mạnh. Theo đó, tại chợ Tân Định (quận 1), giá xà lách từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg (tăng gần 10.000 đồng/kg), cà chua 12.000 đồng/kg, khổ qua 15.000 đồng/kg... Tăng từ 5 đến 10% so với thời điểm đầu tháng 7. Một số loại rau xanh như rau muống, rau tần ô và các loại rau ăn sống cũng tăng nhẹ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), nhiều mặt hàng thủy sản đã tăng khá mạnh. Nếu như cá diêu hồng trước đó có giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 55.000 đến 60.000 đồng/kg, tôm nuôi từ 140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, tôm sú từ 220.000 đồng/kg lên 230.000 đồng/kg. Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), cá thu tăng 25.000 - 30.000 đồng lên 200.000 đồng/kg, mực ống tăng 18.000 - 20.000 đồng lên 140.000 đồng/kg.

Trong khi các loại thủy hải sản và rau xanh tăng giá khá mạnh thì giá các loại thịt gia súc vẫn giữ ở mức ổn định. Hiện thịt lợn ba rọi có giá từ 85.000 đến 90.000 đồng/kg, sườn non có giá 100.000 đến 120.000 đồng/kg, thịt thăn bò có giá 230.000-260.000 đồng/kg. Riêng thịt gà tam hoàng làm sẵn tăng 3.000 đồng lên 65.000 đồng/kg, thịt gà ta tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg lên từ 95.000 đến 115.000 đồng/kg...

Theo các tiểu thương, sở dĩ một số loại rau xanh tăng giá một phần do chi phí vận chuyển tăng, phần do thời gian gần đây trời mưa liên tiếp nhiều ngày khiến lượng hàng khan hiếm. Còn các loại thủy hải sản tăng giá mạnh là do chi phí vận chuyển, bảo quản và đánh bắt tốn kém hơn kể từ khi giá xăng, dầu tăng.

Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức Nguyễn Thanh Hà cho biết: "Giá các loại rau xanh, củ quả không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng, dầu tăng, mà giá tăng hay giảm do lượng hàng về chợ nhiều hay ít. Riêng ở các chợ lẻ, giá các loại rau xanh, hoa quả tăng có thể do thời tiết mưa nhiều, một số tiểu thương "ngại" đi lấy hàng, cho nên còn ít hàng thì đẩy giá tăng, hoặc do việc vận chuyển về các chợ lẻ, tiểu thương tốn thêm một khoản chi phí do giá xăng tăng nên các tiểu thương cũng bán giá tăng".

Trước việc giá cả một số mặt hàng thiết yếu có hướng tăng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết, để kiềm chế lạm phát, tránh tăng giá đột biến một số mặt hàng, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; đồng thời khi có tăng giá đột biến mặt hàng nào sẽ can thiệp, đưa hàng bình ổn về nhằm ổn định thị trường. Hiện thành phố có 35 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, với lượng hàng hóa bình ổn đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu của thị trường. Lượng hàng hóa bình ổn hiện rất dồi dào với chín nhóm hàng như: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, rau, củ quả, thủy hải sản... Hiện hàng bình ổn đã đi sâu đi sát vào đời sống người dân với các chương trình bán hàng lưu động phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, mang hàng tới tận vùng sâu, vùng xa, ngõ hẻm... Từ đầu năm đến nay, thành phố chưa để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, sốt giá ảo mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban vật giá Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, từ ngày 24-7, giá nhiều mặt hàng trong chương trình bình ổn giá như đường RE/RS, trứng gà, gạo trắng thường 20% tấm đã giảm từ 500 đến 1.000 đồng. Riêng Công ty Vissan (đơn vị tham gia bình ổn giá của thành phố) đang khuyến mãi mặt hàng thịt lợn, trứng vịt với mức giá giảm 5.000 đồng.

Được biết, CPI tháng 7 của TP Hồ Chí Minh đã tăng 0,17% so với tháng 6, mà theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ những lần điều chỉnh giá xăng, dầu liên tiếp trong tháng 6 vừa qua.

HẢI MINH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét