Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Giao kèo của nhà văn

Quan hệ gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái, anh em ruột thịt, quan hệ đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, quan hệ bạn bè, người yêu… tất thảy đều có thể bị quyền lực và tiền bạc hay những dục vọng cá nhân tầm thường chi phối đến tận cùng. Con người nhiều lúc trở nên vô cảm và tàn bạo như dã thú… Nỗi sợ hãi này hoàn toàn có thật.

Điều gì và vì sao lại đến nông nỗi ấy? Đó là một câu hỏi cứ trở đi trở lại mỗi ngày. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự sùng bái những giá trị vật chất, sự xuống cấp, tha hóa của nhân cách, sự a dua bầy đàn chăng? Tôi cứ tự lục vấn mình và những nhân vật của mình trong sự ngờ vực và lo lắng thế!

Bước ra từ một cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, dường như chúng ta rơi vào cái bẫy của chính mình mà không biết. Sự ngổn ngang rạn vỡ bày ra trên nhiều phương diện. Nỗi bất an thường trực trong cuộc sống và tính người đang đứng trước sự thách thức cũng như những cám dỗ chết người.

Ai đó nói rằng, còn biết bao điều tốt đẹp trong cuộc sống sao không đề cập? Điều đó có lý nhưng sự nhạy cảm với cái ác cũng chính là để bảo vệ cái thiện và cái đẹp đấy thôi. Tôi đã từng say mê và đến với văn chương bởi những câu thơ tuyệt đẹp của Pablo Neruda: "Tôi đã ký một giao ước ân tình cùng cái đẹp/ Tôi đã ký một giao kèo xương máu với nhân dân".

Ảnh minh họa

Giao kèo ấy với nhà văn là thiêng liêng và bền chặt biết mấy. Văn học ý thức được vai trò của nó - đánh thức lương tâm xã hội đương đại, cật vấn nó bằng cái cách tác động lên phần thẳm sâu của nỗi đau thân phận con người, của sự mất mát và tuyệt vọng khi cái thiện cái đẹp bị thương tổn, bị bỏ rơi. Bởi "văn chương chính là tấm gương phản ánh thời đại", là phẩm chất tinh thần của thời đại. Một phẩm chất đáng trọng, có trí tuệ và đạo đức, hướng dẫn thời đại sửa chữa những sai lầm của mình bằng chính sự trải nghiệm và phản biện của nó.

Gần đây trong giới chuyên gia kinh tế vẫn nửa đùa nửa thật nói đến bài toán cổ "Một trăm con trâu và một trăm bó cỏ" - rằng "con đứng ăn năm, con nằm ăn ba còn lũ nghé hoa năm con một bó..." Và cho rằng lời giải vẫn đúng cho cả hôm nay. Bởi một nhóm rất ít thôi thì chiếm tới 20% của cải cả xã hội, nhóm thứ nhì đông hơn một chút thì chiếm mất 54%, còn lại đại đa số dân chúng chỉ chia nhau 26% số ít ỏi còn lại!

Không có gì là ngạc nhiên khi nhà văn quan tâm tới cái khoảng cách cay đắng kia, nghiêng về cái khối đông đúc chịu nhiều thiệt thòi và nhiều phần đau khổ ấy. Đó là sứ mệnh của họ.

Nhưng khi trình bày những chiêm nghiệm những lý giải của mình, đôi khi - tôi vẫn giật mình - có gì không đúng chăng? Ta đã nói quá lên chăng và (thật đáng thương sao) tôi đã từng tự biên tập mình trước khi những biên tập viên cắt nốt vài cái gai thưa thớt còn sót lại!

Tôi đề nghị: Hội Nhà văn tổ chức những cuộc hội thảo hay đối thoại thật cởi mở, thấu đáo về "môi trường cho văn chương" giống như trong các lĩnh vực khác (kinh tế chẳng hạn) đang làm với mục đích vươn tới một môi trường pháp lý minh bạch và sòng phẳng.

Tôi đề nghị: Phải thay đổi và cải tiến phương pháp dạy văn học trong nhà trường mà lâu nay cách dạy văn đã trở nên khô cứng và sáo mòn khiến thế hệ trẻ không còn yêu thích và đồng cảm với văn chương. Và nếu không thật sự coi trọng định hướng thẩm mỹ trong văn chương với lớp trẻ thì rất khó cải thiện được tình hình. Với dân số hơn 80 triệu dân mà sách in ra chỉ dừng ở con số ngàn bản thì sự vận hành liên tục của quan hệ tác động hai chiều giữa văn học và đời sống chưa có bao nhiêu. "Trong tam giác: Tác giả, tác phẩm và người thưởng thức thì người thưởng thức không phải là phần sáng tạo thụ động hay chỉ là mắt xích đơn giản của hoạt động tiếp nhận mà chính là năng lượng tạo thành lịch sử" (theo H.R.Jauss). Thì "năng lượng tạo thành lịch sử ấy" của chúng ta quá mỏng manh. Tôn vinh văn hóa đọc có thể trở thành một chương trình hành động không chỉ của nhà văn.

Tôi đề nghị: Sự trải nghiệm và phản biện của văn chương với ý nghĩa như một phẩm chất tinh thần của thời đại cũng vẫn cần một sự bởi đã xa rồi cái thời "hữu xạ tự nhiên hương". Xã hội hiện đại, xã hội tiêu dùng đã xác lập một phương pháp tiếp cận mới mà ta không thể bỏ qua nó. Tác phẩm hay mà không đến được với người đọc một cách rộng rãi thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Quảng bá một cách bài bản, hệ thống văn chương đích thực cần những người tâm huyết và có tri thức cũng như kinh nghiệm ở một xã hội kinh tế tri thức như hiện nay. Sự bảo đảm một môi trường tốt cộng với tài năng và nỗ lực của nhà văn cộng với sự quảng bá có hiệu quả thì khi ấy thực sự "giao kèo" của văn với nhân dân mới có thể coi là hoàn thành được.

Nhà văn Thùy Dương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét