Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Kẻ trộm tranh giàu nhất trong lịch sử

Những món hắn “khoắng” được không khiến giới mua bán phải phát sốt vì con số hàng chục triệu đôla. Tuy nhiên, chỉ trong 6 năm bắt đầu hành nghề, gã trộm mới 26 tuổi khi đã kịp cuỗm được một khối tài sản khổng lồ được các chuyên gia ước tính vào khoảng 1,4 tỷ USD, tính ra cứ 15 ngày hắn tổ chức một vụ trộm - một kỷ lục đáng ghi vào sách Guiness !

Stéphane Breitwieser quảng cáo cuốn tự truyện viết trong tù của hắn

Sự khác biệt nhất của Stéphane Breitwieser là hắn chẳng hề có ý định bán đi những tác phẩm hắn đánh cắp, ngôi nhà của mẹ hắn bất đắc dĩ trở thành bảo tàng với hàng trăm tác phẩm bày la liệt trong các phòng ngủ.

Đôi tay của Stéphane Breitwieser nhuốm chàm lần đầu năm 1995 khi hắn cùng với cô bạn gái Anne-Catherine Kleinklauss tham quan một lâu đài thời Trung cổ ở Gruyères, một thị trấn nhỏ của Thụy Sĩ nổi tiếng với món phó mát đồng quê. Lời khai của hắn về cú “tình yêu sét đánh” với bức tranh nhỏ của họa sĩ Đức Wilhelm Dietrich (1712-1774) rõ ràng là từ miệng một kẻ mê tranh đầy am hiểu:

“Tôi bị thôi miên bởi sắc đẹp của nàng, bởi ánh mắt của nàng. Tôi nghĩ bức tranh này mô phỏng Rembrandt”. Không đành thở dài đầy tiếc nuối mà dời chân đi như những người yêu tranh khác, Breitwieser nhờ bạn gái canh chừng, tháo đanh, gỡ nguyên bức tranh còn nằm trong khung tuồn vào dưới áo khoác rồi nhanh chóng cao chạy xa bay.

Bức tranh này không quá nổi tiếng, sau này chỉ được định giá chưa tới 3.000 USD nhưng là điểm khởi đầu của một gã trộm tranh “kiên định nhất thế giới” như cách gọi của tờ báo Anh The Guardian.

Từ đó trở đi, Kleinklauss trở thành trợ tá đắc lực trong các phi vụ của Breitwieser, khoảng 60% “chiến lợi phẩm” gã có được nhờ sự giúp sức của cô bạn gái – người làm nhiệm vụ cảnh giới, che chắn ống kính máy quay an ninh hoặc đánh lạc hướng người gác rời mắt khỏi màn hình theo dõi …

Bức tranh đắt giá nhất mà Breitwieser đánh cắp được

Địa bàn làm ăn chủ yếu của Breitwieser là Pháp và Thụy Sĩ nhưng hắn cũng càn quét cả những bảo tàng và phòng tranh ở Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Đức và Áo. Hắn quơ tất cả những món hắn thích bất kể đắt giá hay rẻ mạt, từ tranh sơn dầu cho tới những phác thảo, tượng, ly có chân, đĩa, súng lục, dao găm, kích, sừng đựng thuốc súng ….

Danh sách những tác phẩm nghệ thuật bị Breitwieser đánh cắp kéo dài tới gần 200 món, trong đó có cây đàn vĩ cầm chế tạo từ thế kỷ 17 và được lưu giữ ở một bảo tàng âm nhạc ở Basel (Thụy Sĩ), bức họa Hai người đàn ông của danh họa Antoine Watteau (1684-1721) vốn nằm trong Bảo tàng Montpellier ở miền nam nước Pháp.

Cả hai bức tranh nổi tiếng “Người chăn cừu ngủ gật” của Francois Boucher và bức “Mary, Nữ Hoàng người Scot” của Corneille de Lyon đều bị Breitwieser đánh cắp khỏi bảo tàng Blois (Pháp) vào năm 1996.

Tác phẩm có giá cao nhất mà Breitwieser đánh cắp được là bức “Sybille, Công chúa xứ Cleves” của họa sĩ Đức Thời Phục hưng Lucas Cranach the Elder (1472-1553) được lưu giữ trong một lâu đài ở Baden-Baden, Đức. Trên thị trường bức tranh có giá trên 7 triệu USD.

Tự cho mình là “người giàu nhất châu Âu”, Breitwieser khai hắn không bán đi bất cứ tác phẩm nào hắn đánh cắp được mà cất giấu trong phòng ngủ của hắn và của mẹ hắn trong ngôi nhà ở Mulhouse, Pháp.

Phòng của hắn bao giờ cũng tối lờ mờ, không có ánh sáng mặt trời lọt vào vì sợ tranh bị phai màu. Mẹ hắn, bà Marielle Schwengel ban đầu không biết những bức tranh đứa con trai lôi về là đồ trộm cắp mà nghĩ là hắn mua được nhờ đấu giá, nhưng sau đó bà ta cũng nghi ngờ con.

Là người say mê tranh, Breitwieser bỏ nhiều thời gian để ngắm bộ sưu tập của hắn. Có một lần, khi phát hiện trong số tranh có một bức là đồ giả, nhại lại họa sĩ van der Helst, hắn đã thẳng tay đốt bỏ nó. Mặc dù bộ sưu tập khá lớn nhưng hắn am hiểu tường tận và nhớ rất rõ từng chi tiết một của từng bức tranh mà hắn đánh cắp. Trong phiên tòa xét xử hắn, Breitwieser nói vanh vách từng chi tiết đó.

Cảnh sát Pháp giám sát việc mò tìm tang vật dưới kênh đào

Breitwieser và Kleinklauss bị bắt lần đầu năm 1997 khi đang mang một bức tranh phong cảnh của họa sĩ Hà Lan William van Aelst đánh cắp được từ một phòng tranh tư nhân ở Thụy Sĩ. Nghe tiếng chuông báo động, chủ nhân chạy ra và thấy kẻ cắp đang leo lên xe chính là hai người mà ông cho phép vào xem tranh.

Vì là lần đầu bị bắt nên Breitwieser bị phạt có 8 tháng tù và bị cấm nhập cảnh Thụy Sĩ cho tới tháng 5/2000. Tuy nhiên, hắn vẫn đi lại, làm việc giữa Pháp và Thụy Sĩ sau khi đổi sang họ mẹ thời con gái, hắn tiếp tục đánh cắp tranh, kể cả ở những bảo tàng mà hắn từng ra tay trước đó. Breitwieser cũng từng bị theo dõi sau khi một người bán đồ cổ nghi hắn ăn cắp một bức tranh và một chiếc bình hoa theo phong cách nghệ thuật mới của nhà điêu khắc Emile Gallé.

“Sự nghiệp xây bảo tàng riêng” bằng trộm cắp của Breitwieser chấm dứt khi hắn dột nhập bảo tàng Richard Wagner ở Lucerne (Thụy Sĩ) đánh cắp một con dao găm đẽo gọt từ sừng có niên đại 1584.

Trên thế giới chỉ còn có 3 con dao như vậy và mỗi con được định giá 45.000 USD. Một bảo vệ phát hiện Breitwieser đánh cắp con dao nhưng hắn đã kịp chạy thoát. Hai hôm sau, Breitwieser to gan quay trở lại bảo tàng tiếp tục ngó nghiêng nhưng không ngờ cử chỉ của hắn lại lọt vào con mắt nghi ngờ của phóng viên Erich Eisner đang dẫn chó đi dạo trong bảo tàng. Nhận được tin báo của Eisner, người bảo vệ hôm trước quay lại và nhận ra hắn. Breitwieser bị bắt tại chỗ nhưng cô bạn gái hắn thoát thân.

Một họa sĩ “hâm mộ” Stéphane Breitwieser đã vẽ chân dung hắn

Cảnh sát Thụy Sĩ phải mất 19 ngày mới xin được lệnh khám xét nhà mẹ của Breitwieser ở Pháp, nhưng rồi họ chẳng tìm thấy bức tranh nào cả. Được Kleinklauss báo tin con trai bị bắt, mẹ của Breitwieser sợ bị liên lụy nên dùng dao rạch tranh ra khỏi khung và đem chúng bỏ vào máy hủy rác.

Những món cổ vật khác như bình, tượng, đồ trang sức, đồ sứ bị bà ta đem quẳng xuống kênh đào nối giữa hai con sông Rhone và Rhine ở gần nhà. Cảnh sát nghi bà mẹ Breitwieser tiêu hủy tang chứng, nhưng cũng phải mất 7 tháng, sau khi một vài cổ vật bị dạt lên bờ kênh, bà ta mới chịu thú nhận việc làm của mình.

Nhà chức trách Pháp đã phải cho tát cạn một đoạn kênh đào ở gần nhà Breitwieser để tìm lại những món đồ mẹ hắn quẳng xuống. Sau cùng, các nhà điều tra đã thu hồi được 110 tác phẩm nhưng còn khoảng 60 tác phẩm khác, chủ yếu là các bức họa, đã không được tìm thấy là do mẹ của Breitwieser đã hủy hoại.

Kể từ ngày đầu bị bắt, Breitwieser đã bật khóc và nói hắn là người yêu nghệ thuật chứ không vì tiền. Tuy nhiên, các nhà điều tra thì cho rằng hắn yêu cả hai thứ. Breitwieser thú nhận hắn đánh cắp 239 tác phẩm, tuy nhiên nếu cộng cả số hiện vật thu hồi được và số khung tranh còn sót lại tại nhà mẹ hắn, người ta chỉ đếm được 172 tác phẩm mà trong nhà hắn cảnh sát thu được 87.000 USD tiền mặt.

Tháng 1/2005 Breitwieser bị tòa án châu Âu ở Strasbourg kết án 3 năm nhưng chỉ phải ngồi tù 26 tháng. Ngay trước ngày tuyên án hắn đã toan treo cổ tự vẫn nhưng không thành vì bị một tù nhân khác phát hiện báo giám ngục. Mẹ hắn cũng lãnh án 3 năm nhưng chỉ ngồi tù 18 tháng về tội hủy hoại những tác phẩm nghệ thuật.

Cô bạn gái của Breitwieser chỉ thực hiện 1/3 mức án tù 18 tháng về tội đồng phạm. Trong tù, Breitwieser viết cuốn tự truyện có tựa đề “Lời thú nhận của một kẻ đánh cắp nghệ thuật” được xuất bản tại Pháp năm 2006.

Phúc Thanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét