Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Kiên quyết xử lý vi phạm biển hiệu tiếng nước ngoài


Mặc dù các cơ quan chức năng tại các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm, nhưng xử lý chưa dứt điểm, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Khổ chữ nước ngoài không quá 3/4 chữ tiếng Việt
Luật Quảng cáo được Quốc hội nước ta thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Tại chương III về Hoạt động quảng cáo, mục 1 quy định về nội dung, điều kiện quảng cáo, trong đó điều 18 nêu rõ yêu cầu về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo.
Theo đó, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Ngoại trừ một số trường hợp sau: nhãn hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; sách báo, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài, chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới tiếng Việt.
Về kích cỡ của biển hiệu quảng cáo của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định rõ tại điều 34 của Luật Quảng cáo. Theo đó, đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2 mét, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 mét, chiều cao tối đa là 4 mét nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Nếu theo đúng các quy định của Luật quảng cáo thì rất nhiều biển hiệu quảng cáo ở một số địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh...Đã vi phạm. Khá nhiều người là chủ cơ sở, đơn vị kinh doanh không hiểu rõ về các quy định liên quan đến biển hiệu quảng cáo. Lý do các chủ cơ sở này đưa ra giải thích cho việc trưng biển quảng cáo như vậy là để tiện việc mua bán, giao dịch với các đối tác nước ngoài. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý các biển hiệu vi phạm nêu trên, dỡ bỏ hàng trăm biển hiệu quảng cáo chưa đúng quy cách...
Đại diện Cục Văn hóa cơ sở - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Qua kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo ở các địa phương nêu trên cho thấy việc xuất hiện các biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài lớn hơn tiếng Việt, đặt trên tiếng Việt thậm chí có biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài là có thực. Việc xử lý các vi phạm về biển hiệu quảng cáo này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố thực hiện.
Trước tiên Sở xem xét cơ sở trưng biển hiệu quảng cáo đó có được cấp phép quảng cáo hay không, sau đó Sở yêu cầu cơ sở kinh doanh, đơn vị vi phạm dỡ bỏ biển quảng cáo, thay thế bằng biển đúng quy cách. Đối với các cơ sở, đơn vị trưng biển khi chưa có giấy phép, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ. Ngoài ra, các cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu các cơ sở, đơn vị tiếp tục cố tình vi phạm thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư áp dụng các biện pháp xử phạt khác như: Không cấp giấy phép cho các sản phẩm quảng cáo tiếp theo, thu hồi giấy phép kinh doanh...
Nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong quảng cáo
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2013 là năm đầu tiên Luật Quảng cáo có hiệu lực, hoạt động quảng cáo đã dần đi vào nền nếp. Tuy văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo chưa được ban hành do nhiều nguyên nhân khách quan song các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. Các đơn vị chức năng cũng thường xuyên giải đáp các vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp có kiến nghị.
Bên cạnh Luật Quảng cáo có hiệu lực từ 1/1/2013 thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các văn bản quy định chi tiết thi hành cả 2 luật này đều đang trong quá trình hoàn thiện.
Hiện việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa được thực hiện theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010. Tại điều 33 của Nghị định này đã nêu rõ các vi phạm về viết, đặt biển hiệu và các mức phạt, biện pháp khắc phục.
Cụ thể là đối với việc không ghi đúng, không ghi đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với các vi phạm: trên biển hiệu của cơ quan, tổ chức Việt Nam không viết bằng chữ Việt Nam mà chỉ viết bằng chữ nước ngoài; chữ nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ Việt Nam; kích thước chữ bằng tiếng nước ngoài lớn hơn tên bằng chữ Việt Nam và trên biển hiệu có kèm quảng cáo.
Như vậy có thể thấy rằng mức xử phạt hành chính cao nhất đối với các hành vi vi phạm về biển hiệu cũng chỉ tối đa ở mức 5 triệu đồng - một mức phạt được các nhà quản lý, người dân đánh giá là quá thấp, không đủ sức răn đe đối với nhiều cơ sở, đơn vị cố tình vi phạm, không tuân thủ Luật.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo để triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính. Đã có nhiều ý kiến đề nghị phải có một Nghị định dành riêng cho việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi đây là lĩnh vực đa dạng, phức tạp nhất, chịu sự quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành vì có nhiều loại hình quảng cáo như quảng cáo trên truyền hình, báo chí, quảng cáo ngoài trời, phương tiện viễn thông, công nghệ thông tin, xuất bản phẩm...
Trong dự thảo Nghị định, qui định mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong quảng cáo đã được nâng lên rõ rệt, vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng. Với mức xử phạt cao như vậy có lẽ mới đủ sức răn đe đối với các tổ chức, đơn vị cố tình vi phạm. Hy vọng khi Nghị định chính thức được ban hành và thực thi trong thực tiễn, hoạt động quảng cáo sẽ đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực./.

PV (TTXVN)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét