Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Detroit một thập kỷ trước ngày phá sản

Nếu bạn đã đặt chân đến đây, bạn sẽ nhận ra ngay nơi này có nhiều trái ngược hiển hiện rõ ràng. Một thành phố rất hiện đại với những công trình kiến trúc, hệ thống giao thông công cộng skytrain (xe điện trên cao) đi xuyên qua các tòa nhà trọc trời như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Bên cạnh đó cũng không thiếu những khu phố đổ nát, những nhà máy cũ bỏ hoang, những tòa nhà cao tầng vốn một thời là khách sạn nổi tiếng. Mà nay “du khách” nơi đó là dân vô gia cư, đến ăn ở không cần phải trả tiền phòng khách sạn và nếu có ai đó chẳng may chết đói, chết lạnh trên tầng thứ 15 thì chắc cũng không ai biết. Đây quả là một thành phố lạ kỳ với những tòa nhà kính sáng loáng như muốn phản chiếu sự đối lập của những khu ổ chuột.

Detroit thời hoàng kim

Detroit thời hoàng kim

Có lẽ không ở đâu sự phân cấp giữa giàu và nghèo trên đất Mỹ có thể phản ánh một cách rõ rệt nhất như ở nơi đây. Nếu như du khách chỉ biết đi ra khu bờ sông ngắm những biệt thự to đẹp như pháo đài, được xây cất nguy nga với những vườn hoa được chăm sóc cẩn thận thì ngược lại có những khu phố mà ngay cả đến dân địa phương cũng ít dám vào vì sợ mất mạng bởi đám du côn đường phố.

Cảnh sát Detroit cũng biểu tình

Nếu đứng bên kia bờ sông mà nhìn ngắm Detroit có lẽ sẽ thấy sự khác biệt rất rõ nét và một thành phố chuyển hóa theo thời gian cũng như địa lý. Nếu bắt đầu nhìn từ phía Tây (bên trái) qua phía Đông (bên phải), bạn sẽ thấy ngay khu phía Tây nghèo nàn, tan hoang rồi cứ như vậy nhìn dần sang phía Đông sẽ thấy những khu phố trông tốt hơn và ra hẳn mảnh đất tột cùng phía Đông sát mép sông sẽ thấy tòa nhà trọc trời của hãng GM (General Motor) sang trọng và hiện đại, nằm soi bóng bên dòng sông.

Nếu chụp một bức tranh toàn cảnh thành phố Detroit có lẽ sẽ thấy như một câu chuyện về sự phát triển cũng như thăng trầm của thành phố với thời gian. Tất cả có lẽ vốn bắt nguồn từ trong lịch sử và người ta hình như không phá đi những tòa nhà cũ, họ muốn để lại một di tích hoặc có thể vì chi phí phá đi tốn kém và đắt đỏ hơn là xây mới trên mảnh đất trống. Tôi không biết nhưng tôi cảm thấy đó là một sự lạ kỳ, một điều đặc biệt mà tôi chỉ thấy ở Detroit.

Đi ngược về trước 300 năm, thì Detroit mọc lên với một cái tên chẳng Anh mà cũng chẳng Pháp. Thành phố này được một nhà thám hiểm Pháp tên Antoine de la Mothe Cadillac, khám phá vào cái thủa châu Mỹ còn là một xứ hoang vu. Ông đã dựng lên một thành phố đẹp bên một dải eo hẹp (d'etroit) với vị trí giao thông thuận lợi vào năm 1701. Cái tên D'etroit dần dần được Mỹ hóa và trở thành Detroit. Tên Cadillac cũng trở thành một nhãn hiệu xe nổi tiếng và sang trọng. Thành phố Detroit có lẽ là thành phố cổ xưa nhất của vùng MidWest. Người Châu Âu ngày xưa vượt biển Đại Tây Dương - Atlantic- và định cư ở bờ Đông nước Mỹ trước, sau đó dần dần mở rộng đất đai, phát triển và Tây tiến vì vậy lịch sử nước Mỹ phát triển theo chiều từ Đông sang Tây cho nên Hollywood hay khai thác đề tài lịch sử này về dân nhập cư khai khẩn tiến dần về phía Tây và chúng ta có thứ gọi là phim cao bồi viễn Tây.

Biểu tượng sức mạnh và quyết tâm của Detroit

Vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, khi con người bắt đầu chuyển hóa sản xuất từ thủ công sang máy móc và tự động hóa, nơi đây có các gia đình nổi tiếng đã tạo nên những đế chế xe hơi như Ford, Olds, Chevrolet và Dodge, và thời kỳ bùng nổ công nghiệp ô tô đã đến. Điều khác biệt, điểm mạnh cũng như tử huyệt của lịch sử vận động thành phố này chính là bắt đầu từ đây. Để có đủ nhân công làm trong các nhà máy xe hơi, lớp công nhân da trắng từ khắp nơi kéo về như lũ. Người ta cũng đưa về đây rất nhiều dân da đen để làm việc. Những người da đen sống quy tụ ở các khu hoang vu hơn về phía Tây. Như đã nói ở trên lịch sử phát triển của Hoa Kỳ là từ Đông sang Tây, các khu phía Đông thường có lịch sử lâu đời hơn và phát triển hơn, đồng nghĩa với sang trọng hơn, là nơi của tầng lớp quý tộc, có tiền. Như một mệnh đề của tự nhiên, kẻ nào đến sớm nhất trong công cuộc khai hoang, kẻ đó chiếm được mảnh đất màu mỡ nhất.

Một detroit đối lập

Những người da đen làm nô lệ, làm thuê, công việc chân tay, ngoài những giờ làm việc tẻ nhạt đứng máy trong các dây chuyền sản xuất thường tụ tập, ca hát để giải trí. Chính họ, những người nhân công da đen nơi đây đã tạo ra dòng âm nhạc da đen nổi tiếng của Hoa Kỳ thường được biết đến với cái tên Motown ( Motor town ). Dòng nhạc da đen Motown với những nghệ sỹ và ban nhạc lừng danh như The Supremes, Smokey Robinson, Stevie Wonder và Marvin Gaye không chỉ ảnh hướng đến sắc dân của họ mà cả những người nghe nhạc da trắng khó tính. Cũng nhờ văn hóa nhảy múa bình dân, Detroit cũng chính là quê hương của các dòng nhạc Dance pop, hay còn gọi là dòng nhạc Popular dance music. Ngày xưa quý tộc nhảy ball room, người Việt gọi là nhảy cổ điển, còn dân chúng tầng lớp lao động nghèo nhưng yêu đời họ có thể tụ tập ở góc phố đàn ca nhảy múa với nhau theo các nhịp điệu tự do họ muốn và các dòng nhạc cũng như kiểu nhảy sau đó đã biến đổi thành techno, hip hop, rap.

Detroit phát triển một cách chóng mặt và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, người giàu ngày càng giàu lên. Kinh tế càng phát triển họ càng có nhiều tiền, và ngược lại công việc làm ăn càng thuận lợi, đơn đặt hàng càng nhiều thì người công nhân càng phải làm nhiều. Thuật ngữ làm việc thêm giờ (overtime) có lẽ cũng bắt nguồn từ đây. Thời kỳ cực thịnh cũng như cao trào của Detroit lên đến đỉnh điểm vào năm 1967, khoảng cách giàu nghèo quá lớn dẫn đến bạo động. Những người da đen đã cướp phá khoảng hơn nghìn tòa nhà, cửa hiệu khu người da trắng, hàng chục người chết và nhiều người khác bị thương. Đây là một trong những vụ bạo động thiệt hại cả về người lẫn của nặng nề nhất trong lịch sử bạo động nước Mỹ. Một minh chứng cho sự xung đột sắc tộc, giai cấp, giữa người da trắng và người da đen, giữa tầng lớp giàu có được hưởng nhiều ân huệ, ưu đãi và tầng lớp lao động nghèo nàn và bị phân biệt đối xử. Sau đó, người da trắng sợ đến đây, khu vực này gần như trở thành của người da đen.

Vị thị trưởng da đen đầu tiên của Detroit khi hầu tòa

Dần dần khi những điều luật về nhân quyền, bình đẳng được các cơ quan hành pháp áp dụng mạnh mẽ, thành phố mới khôi phục lại. Người da den, cũng như người da trắng có quyền ngang nhau, bình đẳng với nhau. Thành phố dần dần hồi sinh. Tuy nhiên trong mắt người Mỹ, Detroit vẫn là thành phố bất ổn, đầy rẫy bạo lực. Họ sợ đến Detroit, nếu không phải đi vì công việc thì không nên đến Detroit , họ thường khuyên nhủ nhau vậy và nếu có phải đến vì công việc thì nên ở trong khách sạn, chỉ nên di chuyển đến văn phòng công ty bằng taxi chứ đừng đi bộ…vv Cũng chính từ đây, Detroit chính thức bị mang tiếng chỉ như một thành phố “Tạm”

Ở Hoa Kỳ, cứ ở đâu tỉ lệ tội phạm tăng, giá nhà đất ở đó sụt giảm kinh khủng, chuyện bạo động ở Detroit có thể xảy ra vài chục năm rồi nhưng cũng có thể phải mất nhiều năm sau nữa thành phố này mới thực sự hồi sinh trở lại. Cho tới năm 2001, đã có một người da đen trúng cử vào chức thị trưởng thành phố. Ông Kwame M. Kilpatrick là người da đen đầu tiên leo lên đến hàng dân biểu ở thành phố Detroit cũng như tiểu bang Michigan. Ông đã bắc được nhịp cầu nối giữa người da đen và người da trắng. Ông đang có kế hoạch khôi phục lại thành phố, với mong muốn mang lại sự thịnh vượng, phồn vinh một thời. Để chứng minh với dân chúng, Detroit thật sự rất an toàn chứ không có khủng khiếp như mọi người nghĩ, để xóa tan những hình ảnh xấu. Và quả thực là nếu bỏ qua những biến cố khủng hoảng về tài chính, về vụ vỡ nợ Dotcom, về sự tan rã của đế chế xe hơi.. Thì chất lượng an sinh xã hội, độ an toàn và tỉ lệ tội phạm tại Detroit đúng là đã tốt hơn nhiều. Một cuộc khảo sát tiến hành gần đây mang tên Reality vs Perception đã cho thấy Detroit thực sự an toàn không như mọi người nghĩ và tỉ lệ tội ác ở Detroit thậm chí nằm dưới chỉ số trung bình toàn nước Mỹ 0,26%.

Thống đốc bang Michigan đã từng cảnh báo về tín dụng xấu của Detroit

Thế nhưng, lại cũng rất oái ăm rằng chính ông thị trưởng Kwame M. Kilpatrick lại đã bị tòa án bang phanh phui và tống giam bỏ tù với mức án có thể lên tới vài chục năm. Vì tội tham nhung, vơ vét công quỹ và tư lợi làm giầu cho bản thân và các nhóm lợi ích. Để lại cho thành phố này cả một mớ vàng thau lẫn lộn. Cho tới khi chính quyền bang Michigan cũng không thể gánh nổi. Và Detroit buộc phải gục ngã, phá sản để chờ ngày hồi sinh. Nhưng nói gì thì nói Detroit cũng là một trong 10 thành phố lớn nhất Hoa Kỳ. Liệu thành phố này có hồi sinh, và trở lại thịnh vượng như xưa không? có vẻ ngày mai tươi sáng còn ở xa lắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét